-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Gỡ bỏ rào cản vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Đăng bởi CÔNG TY TNHH KORESU 05/03/2018
Hiện nay đa số doanh nghiệp TPHCM có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ đến 96,81% trên tổng số doanh nghiệp trên địa bàn.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chính sách hỗ trợ về vốn. Ảnh: CAO THĂNG
Riêng số lượng doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ đăng ký thành lập chiếm trên 90% tổng số DN đăng ký hàng năm. Các DN vừa và nhỏ hạn chế về vốn và công nghệ nên việc phát triển gặp nhiều khó khăn.
Vốn, công nghệ vẫn là điểm yếu
Kết quả khảo sát của Hiệp hội DN TPHCM cho thấy, với 6 nhóm ngành trọng điểm của thành phố là cơ khí; chế biến lương thực, thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao su; điện - điện tử; dệt may; da giày, tỷ lệ DN sản xuất theo hình thức tự thiết kế sản phẩm, tự mua nguyên liệu và có nhãn hiệu riêng của DN (OBM) chỉ chiếm khoảng 48,27%. Nhóm ngành điện - điện tử, cơ khí chế tạo và hóa chất - nhựa - cao su được xác định là nhóm ngành có tỷ lệ sản xuất theo hình thức OBM cao nhất nhưng cũng chủ yếu sản xuất với công nghệ đơn giản, rất hạn chế trong việc tích hợp vào chuỗi sản xuất với các DN sản xuất đầu cuối của toàn cầu.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, cho biết, hầu hết DN trong lĩnh vực cơ khí là DN vừa và nhỏ, thậm chí chỉ ở quy mô gia đình. Hoạt động sản xuất hạn chế, chủ yếu là gia công lại sản phẩm cho các đơn vị lớn, DN cung ứng cấp 2, cấp 3. Các DN vừa và nhỏ thường hạn chế về năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ, nên thường tập trung nhiều trong các ngành sản xuất mang tính chất gia công, lắp ráp với khả năng tạo ra giá trị gia tăng không cao. Hoạt động sản xuất hiện tại của các DN dựa trên các thiết kế sản phẩm được đặt hàng hoặc cung ứng bởi các công ty nước ngoài, hoặc sử dụng những mẫu sản phẩm sẵn có trên thị trường. Cách sản xuất này cho phép các DN tiết kiệm chi phí thiết kế sản phẩm, nhưng cũng ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo, năng lực khai thác các thị trường có tỷ trọng giá trị gia tăng lớn hơn.
Một vấn đề khác cũng đang tạo rào cản lớn cho phát triển DN nội là tâm lý ưa chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng trong nước. Đại diện Hiệp hội Cơ khí TPHCM nhấn mạnh, nhiều sản phẩm của DN nội có chất lượng không kém hàng ngoại nhưng không thể tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa mà phải gián tiếp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan… sau đó nhập khẩu về lại Việt Nam thì mới tiêu thụ được trong nước. Lý giải thực tế này, các DN là khách hàng cho rằng, hàng Việt Nam xuất khẩu tốt hơn hàng bán nội địa. Trong khi đó, theo các DN sản xuất thì chất lượng hàng không kém cạnh nhau. Thế nhưng, việc đối phó với tâm lý trên của người tiêu dùng đã khiến DN khó càng khó hơn khi phát sinh thêm chi phí logistic và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa.
Chuyển đổi cách tiếp cận vốn vay cho DN
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, DN vừa và nhỏ tại Việt Nam chưa thể bứt phá được do những những bất cập trong chính sách quản lý nhà nước chưa thể tháo gỡ. Cụ thể, về chính sách thuế, hiện để thu hút DN vốn đầu tư nước ngoài đầu tư tại nước ta, các cơ quan chức năng cho phép các DN nhập khẩu trang thiết bị máy móc phục vụ dự án đầu tư với thuế suất nhập khẩu bằng 0. Trong khi đó, DN sản xuất sản phẩm chế tạo, máy móc như vậy trong nước, phải nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất thì phải nộp thuế nhập khẩu 10%. Như vậy, xuất phát điểm hàng nội đã có giá thành cao hơn hàng ngoại nhập 10% nên khó có thể cạnh tranh.
Không chỉ vậy, chính sách hỗ trợ vốn cho DN cần triển khai linh hoạt, đơn giản thủ tục hành chính hơn. Hầu hết các khoản nguồn vốn cho vay từ hệ thống ngân hàng, quỹ đầu tư tài chính, vốn ưu đãi cơ quan chức năng phụ trách… đều có điều kiện ràng buộc là thế chấp tài sản đảm bảo. Trong khi đó, đây là điểm khó đáp ứng nhất của DN vừa và nhỏ. Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ, cho biết thêm, hiện tình trạng khát vốn DN vừa và nhỏ chưa được giải quyết hiệu quả, khiến DN không tiếp cận với sự thay đổi công nghệ sản xuất, cải thiện đầu tư nâng cao chất lượng và gia tăng nội lực cạnh tranh về giá thành sản phẩm trên thị trường…
Do vậy, để hỗ trợ DN vừa và nhỏ có thể phát triển mạnh trong thời gian tới, nhất thiết phải đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh. Theo đó, phải giảm triệt để tình trạng nhũng nhiễu, gây khó cho DN. Đặc biệt, phải xóa bỏ “giấy phép con”, tiến tới thực hiện Chính phủ công bố ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các bộ ngành công bố điều kiện kinh doanh cho từng ngành nghề làm cơ sở pháp lý cho công tác kiểm tra mà không cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh… Ngoài ra, để DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư, nhất thiết phải thay đổi hình thức hỗ trợ vốn hiện nay. Theo đó, chuyển hình thức DN phải có tài sản thế chấp mới được vay sang hình thức nhà nước cùng chia sẻ rủi ro đầu tư với DN. Ngược lại, DN phải có đề án phát triển khả thi và được hội đồng tài chính thẩm định chặt chẽ. Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhấn mạnh, trong thời gian tới, sở sẽ xem xét đề xuất điều chỉnh mức lãi suất hỗ trợ vốn vay cho DN theo hướng giảm xuống thấp hơn mức 7% đang áp dụng để tạo động lực để DN phát triển.
Chia sẻ:
Các tin khác
- Thiết bi và dụng cụ trong gia công EDM 24/04/2024
- Chu trình khoan trong phay CNC 23/04/2024
- Các mã lệnh gia công CNC phổ biến 04/08/2023
- M-Code là gì? Các mã lệnh M-Code trong gia công CNC 20/07/2023
- Bảng Tra Kích Thước Ren 01/07/2023
- Tự làm cáp lập trình PLC Mitsubishi FX Series 22/04/2023
- Cách sửa cổ góp cho máy mài góc 09/04/2023